- Log in to post comments
I. Dẫn Nhập
Tin Lành là ân điển của Đức Chúa Trời ban cho mọi dân tộc, vì thế, dịch thuật là một công tác trọng yếu trong việc rao giảng Tin Lành cho người chưa được cứu và trong việc môn đệ hóa tín đồ. Những nhu cầu sơ khởi và căn bản là phiên dịch nguyên tác Thánh Kinh ra nhiều ngôn ngữ; rồi đến các tài liệu giải kinh, thần học, các tài liệu lịch sử Hội Thánh, và các tài liệu bồi linh. Tuy nhiên, quan trọng nhất và cần thiết nhất, luôn luôn là việc phiên dịch Thánh Kinh. Tin Lành của Đức Chúa Trời có quyền phép để cứu mọi kẻ tin, và Tin Lành không ngừng được rao giảng gần 2,000 năm nay; nhưng khi Tin Lành được người nghe tin nhận, thì Thánh Kinh, lời hằng sống của Đức Chúa Trời, là linh lương nuôi dưỡng tâm linh (tâm thần và linh hồn) của con dân Chúa (Phục Truyền 8:3), là lẽ thật có quyền năng thánh hóa những ai đầu phục Chúa (Giăng 17:17), là nhu cầu quan trọng nhất.
Cho đến nay, Thánh Kinh đã được dịch ra trên 2,000 ngôn ngữ khác nhau; và ít nhiều gì, mỗi bản dịch cũng có những khuyết điểm. Tùy thuộc vào lòng yêu mến kính sợ Chúa, khả năng, và mục đích của người dịch hay ban dịch thuật, mà những khuyết điểm trong công tác phiên dịch Thánh Kinh có mức độ trầm trọng hay không. Những khuyết điểm thường gặp vì sự giới hạn của ngôn ngữ, hoặc giới hạn trong việc thông hiểu nguyên tác là điều dường như không thể tránh khỏi. Các khuyết điểm này không ảnh hưởng đến những lẽ thật căn bản về Tin Lành cứu rỗi của Đấng Christ được trình bày trong Thánh Kinh. Những lầm lỗi trong khi phiên dịch vì bị giới hạn trong việc thông hiểu các mẹo luật cú pháp của nguyên tác thường làm giảm đi vẻ đẹp của lẽ thật trong Lời Chúa. Tuy nhiên, viên kim cương vẫn là viên kim cương cho dù phương tiện đẽo gọt, mài dũa rất thô sơ hay vô cùng hiện đại. Phương tiện thô sơ thì bị giới hạn trong việc phô bày vẻ đẹp của viên kim cương, còn phương tiện hiện đại thì làm nổi bật sự tuyệt mỹ của loài ngọc quý.
Một trong những khuyết điểm điển hình về việc thiếu thông hiểu mẹo luật cú pháp của nguyên tác, là việc các bản dịch không giúp người đọc phân biệt được khi nào thì Thánh Kinh đề cập đến Đức Thánh Linh, một thân vị trong Thiên Chúa Ba Ngôi, khi nào thì Thánh Kinh đề cập đến năng lực và quyền phép của Thiên Chúa được ban cho loài người bởi Đức Thánh Linh hoặc được thể hiện qua Đức Thánh Linh. Hoặc khi nào thì Thánh Kinh đề cập đến Thiên Chúa Ba Ngôi (Chúa Trời), khi nào thì Thánh Kinh đề cập đến Thiên Chúa Ngôi Cha (Đức Chúa Trời). Không riêng gì các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ mà các bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ cũng gặp trở ngại này, vì sự khác biệt văn phạm giữa Anh ngữ và tiếng Hy-lạp tương tự như sự khác biệt văn phạm giữa Việt ngữ và tiếng Hy-lạp.
Tác giả cậy ơn Chúa và với lòng sốt sắng, đã dựa vào Thánh Kinh Tân Ước Tiếng Hy-lạp, phiên bản "Textus Receptus" để hiệu đính lại các câu Thánh Kinh trong Tân Ước có liên quan đến những từ ngữ: "Thần," "Linh," "Thánh Linh," "Đức Thánh Linh," "Thiên Chúa," và "Đức Chúa Trời" trong Bản Dịch Phan Khôi. Nguyện thành quả của việc làm này giúp ích thật nhiều cho con dân Chúa người Việt trong sự học hỏi Lời Chúa.
II. Tổng Quát Quy Luật về Mạo Từ và Danh Từ Trong Tiếng Hy-lạp
Trong tiếng Hy-lạp, là ngôn ngữ được dùng để viết Thánh Kinh Tân Ước, một danh từ riêng (tên gọi riêng của Chúa, một thiên sứ, một người, một vật) bắt buộc phải có mạo từ xác định đứng trước. Nếu một danh từ không có mạo từ xác định đứng trước thì danh từ đó chỉ về bản thể, bản tính hoặc phẩm chất của đối tượng được gọi. Chúng ta hãy xem những thí dụ sau đây:
(1) θεος= Chúa Trời / Thiên Chúa, là danh từ Thánh Kinh dùng gọi chung Thiên Chúa Ba Ngôi, hoặc nói đến phẩm chất Thiên Chúa, bản thể Thiên Chúa.
(2) ο θεος= Đức Chúa Trời, có mạo từ xác định ο(Đức) đi trước, là danh từ riêng Thánh Kinh dùng để gọi Thiên Chúa Ngôi Cha.
(3) λογος= Lời, là danh từ Thánh Kinh dùng để chỉ về lời nói.
(4) ο λογος= Ngôi Lời, có mạo từ xác định ο(Ngôi) đi trước, là danh từ riêng Thánh Kinh dùng để gọi Thiên Chúa Ngôi Con.
(5) πνεσμα/ πνεσμα αγιον= Linh / Thánh Linh, danh từ Thánh Kinh dùng để nói đến năng lực và quyền phép của Thiên Chúa.
(6) το πνεσμα/ το πνεσμα το αγιον/ το αγιον πνεσμα= Đấng Thần Linh / Đức Linh Đấng Thánh / Đức Thánh Linh, có mạo từ xác định το(Đức) đi trước, là danh từ riêng Thánh Kinh dùng để gọi Thiên Chúa Ngôi Thần Linh.
Tiếng Hy-lạp có những quy luật rất là đặc biệt trong việc sử dụng mạo từ và danh từ. Một cách tổng quát, mạo từ và danh từ có:
- 3 giống: đực (male - M), cái (female - F), trung tính (neuter - N);
- 4 cách: chủ thể (nominative - N), trực tiếp (accusative - A), gián tiếp (dative - D), sở hữu (genitive - G);
- và 2 số: ít (singular - S), nhiều (plural - P).
Mạo từ luôn luôn cùng thể với danh từ đi theo nó về giống, cách, và số. Tiếng Hy-lạp không có mạo từ bất định mà chỉ có mạo từ chỉ định. Mạo từ chỉ định xác định nghĩa của danh từ đi theo nó. Khi hai danh từ được nối với nhau bằng liên từ καίG2532 mà danh từ đi trước có mạo từ, danh từ đi sau không có mạo từ, thì cả hai danh từ đó được chỉ định bởi mạo từ và dùng để chỉ cùng một người hay một loại. Điển hình là Ê-phê-sô 5:5, nói về thần tính của Đấng Christ:
"Vì anh em phải biết rõ rằng kẻ gian dâm, ô uế, tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không một kẻ nào được dự phần kế nghiệp vương quốc của Đấng Christ là Thiên Chúa."
Nhóm chữ "Đấng Christ là Thiên Chúa" trong nguyên ngữ Hy-lạp là: του G3588 χριστου G5547 καιG2532 θεουG2316.
G3588 = Đấng, G5547 = Christ, G2532 = và, G2316 = Thiên Chúa.
Có ba trường hợp mạo từ được dùng:
(1) Đi trước một danh từ trừu tượng, như: η αληθεια= lẽ thật, chân lý. ηlà một mạo từ giống cái.
(2) Phân biệt chủ từ với túc từ trong câu văn. Danh từ có mạo từ đi kèm là chủ từ, bất kể vị trí của danh từ đó đứng trước hay sau động từ, như trong: θεος ην ο λογος, thì ο λογος là chủ từ, đứng sau động từ ην và phải dịch là: "Ngôi Lời là Chúa Trời," không dịch "Chúa Trời là Ngôi Lời."
(3) Xác định danh từ đi chung với nó là một tên riêng, như:
- ο θεος= Đức Chúa Trời, chỉ về Thiên Chúa Ngôi Cha;
- ο λογος= Ngôi Lời, chỉ về Thiên Chúa Ngôi Con;
- ο ιησοσς= Đức Jesus;
- το πνεσμα= Đấng Thần Linh;
- το αγιον πνεσμα= Đức Thánh Linh;
- το πνεσμα το αγιον= Đức Linh Đấng Thánh.
Để thấy rõ hơn sự quan trọng của quy luật sử dụng mạo từ trong tiếng Hy-lạp, chúng ta hãy khảo sát mệnh đề sau đây trong Giăng 1:1 "θεος ην ο λογος."
- θεος= god = Danh từ: Thần / Thiên Chúa / Chúa Trời / phẩm chất của Chúa Trời / bản thể của Chúa Trời (khi có mạo từ οđứng trước thì thành danh từ riêng: Đức Chúa Trời, được Thánh Kinh Tân Ước dùng để gọi Thiên Chúa Ngôi Cha.)
- ην= was = Động từ: đã là.
- ο= the = Mạo từ: ngôi / đức / đấng / vị.
- λογος= word = Danh từ: lời nói (khi có mạo từ οđứng trước thì thành danh từ riêng: Ngôi Lời, được Thánh Kinh dùng để gọi Thiên Chúa Ngôi Con.)
Theo thứ tự của các chữ trong nguyên tác thì mệnh đề trên nếu dịch chữ sang chữ sẽ là "Chúa Trời đã là Ngôi Lời" (không có mạo từ trước "Chúa Trời" nhưng có mạo từ trước "Lời"); nếu dịch cho đúng văn phạm sẽ là: "Ngôi Lời đã là Chúa Trời." Các bản Thánh Kinh Anh ngữ dịch rất chính xác là: "The Word was God", nhưng Thánh Kinh Việt ngữ dịch là "Ngôi Lời là Đức Chúa Trời." Chúng ta thấy, bản dịch Việt ngữ đã thêm mạo từ "Đức" (ο) làm biến nghĩa danh từ "Chúa Trời" (θεος.)
Trong nguyên tác, "Chúa Trời" (θεος) được đặt trước "Lời" (λογος); "Chúa Trời" không có mạo từ đi trước nhưng "Lời" có mạo từ đi trước. Sự kiện danh từ "Chúa Trời" không có mạo từ, được đặt trước "Lời" nói lên danh từ "Chúa Trời" được dùng làm thuộc từ, mô tả về phẩm chất, đặc tính Thiên Chúa trong khi mạo từ "Ngôi" (ο) đi trước danh từ "Lời" nói lên "Lời" là chủ từ, đồng thời là một tên riêng. Ý nghĩa kỳ diệu của mệnh đề này là: Ngôi Lời mang trọn vẹn phẩm chất, đặc tính của Chúa Trời, (What God was, the Word was), Ngôi Lời là Chúa Trời!
Chúng ta hãy xét ý nghĩa của những mệnh đề khác nhau dưới đây:
(1) ο λογος ην θεος= Ngôi Lời là một thần (The Word was a god).
(2) ο λογος ην ο θεος= Ngôi Lời là Đức Chúa Trời (The Word was the God).
(3) θεος ην ο λογος= Ngôi Lời là Chúa Trời (The Word was God).
Trường hợp (1): λογοςcó mạo từ và đứng trước, θεοςkhông có mạo từ và đứng sau nói lên "Ngôi Lời là một thần" như bao nhiêu thần khác (thí dụ: các thiên sứ). Đây là tín lý của giáo hội Chứng Nhân của Giê-hô-va (Jehovah's Witnesses), và giáo hội Mormon, còn được gọi là tà thuyết Arianism. Tà thuyết này phát sinh từ đầu thế kỷ thứ IV do Arius khởi xướng. Điểm căn bản của tà thuyết này cho rằng Đức Chúa Jesus Christ là một vị thần (như các thiên sứ) được dựng nên bởi Đức Chúa Trời.
Trường hợp (2): θεοςcó mạo từ, trở thành một danh từ riêng, có nghĩa là "Đức Chúa Trời," tức Thiên Chúa Ngôi Cha. Như vậy, ý nghĩa của mệnh đề nói lên "Ngôi Lời là Ngôi Cha", Cha và Con cùng một thân vị, một ngôi. Đây là tín lý của một số Giáo Hội Ngũ Tuần (Oneness Pentecostals hoặc "Jesus Only"), còn được gọi là tà thuyết Sabellianism, phát xuất từ thế kỷ thứ III do Sabellius khởi xướng. Tà thuyết Sabelliasm cho rằng chỉ có một Đức Chúa Trời trong một thân vị, các danh xưng Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh là các danh hiệu khác nhau của Đức Chúa Trời. Lập luận điển hình cho tín lý này là một người có thể cùng một lúc mang ba danh hiệu khác nhau, thí dụ: Ông A có thể vừa là con (đối với cha của ông), là chồng (đối với vợ của ông), và là cha (đối với con của ông). Theo ý nghĩa nêu trên thì bản dịch tiếng Việt đã dịch không đúng ý của Thánh Kinh khi dịch θεος ην ο λογοςthành "Ngôi Lời là Đức Chúa Trời" vì đã thêm mạo từ "Đức" biến θεοςthành danh từ riêng, làm cho mệnh đề có nghĩa: Ngôi Lời và Chúa Cha cùng một thân vị.
Trường hợp (3): Ngôi Lời mang phẩm chất của Chúa Trời, nghĩa là Ngài mang đồng bản thể của Chúa Cha (Phi-líp 2:6), nhưng Ngài là một thân vị riêng biệt với Chúa Cha. Đây là tín lý chính thống của Thánh Kinh. Giải thích điển hình cho tín lý này được tìm thấy trong Sáng Thế Ký 2:22,23. A-đam là người, Ê-va ra từ A-đam, mang cùng một bản thể, có cùng một phẩm chất người như A-đam nhưng Ê-va không phải là A-đam. A-đam và Ê-va là hai thân vị khác nhau, nhưng cùng một bản thể người, (cùng một xương, một thịt). Nếu dịch cho đúng nghĩa sang tiếng Việt thì mệnh đề θεος ην ο λογοςphải dịch thành "Ngôi Lời là Chúa Trời," không thêm mạo từ "Đức" cho danh từ "Chúa Trời."
Riêng về từ ngữ θεος, được dùng trong Thánh Kinh Tân Ước, khi không có mạo từ οđứng trước thì chỉ chung về Thiên Chúa Ba Ngôi hoặc chỉ về bản thể, thuộc tính, phẩm chất của Thiên Chúa Ba Ngôi, được dịch sang tiếng Việt là "Thiên Chúa" trong bản dịch Ngôi Lời; khi có mạo từ οđứng trước thì chỉ về Thiên Chúa Ngôi Cha, thường được dịch là "Đức Chúa Trời" trong các bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ. Cho đến nay, tháng 8 năm 2011, tất cả các bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ, ngoài Bản Dịch Ngôi Lời đang được tiến hành, đều dùng từ ngữ "Đức Chúa Trời" để dịch cho cả "θεος" và "ο θεος."
III. Định Nghĩa Các Từ Ngữ
Con Trời: Chỉ Ngôi Hai Thiên Chúa, (tương phản với từ ngữ "Con Người"), nói lên mối quan hệ Cha và Con trong cùng một bản thể Thiên Chúa. Khác với từ ngữ "Con của Đức Chúa Trời" chỉ nói lên quan hệ Cha và Con.
- Tiếng Anh: God's Son
- Tiếng Hy-lạp: θεοςG2316 υἱόςG5207
Đấng Thiên Chúa: Chỉ bất cứ Ngôi nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa, (chỉ dùng hai lần trong Hê-bơ-rơ 1:8, 9 để chỉ về Đấng Christ).
- Tiếng Anh: The God
- Tiếng Hy-lạp: οG3588 θεοςG2316
Đấng Thiên Phụ: Chỉ Thiên Chúa Ngôi Cha, (với ý nhấn mạnh).
- Tiếng Anh: The God and Father
- Tiếng Hy-lạp: οG3588 θεοςG2316 καίG2532 πατήρG3962
Đức Chúa Trời: Chỉ Thiên Chúa Ngôi Cha, (thường dùng).
- Tiếng Anh: The God
- Tiếng Hy-lạp: οG3588 θεοςG2316
Đấng Thần Linh: Thiên Chúa Ngôi Linh hành động độc lập bên ngoài thân thể của loài người. (Khi Ngài đến để ngự bên trong loài người và sau khi Ngài ngự bên trong loài người hoặc hành động bên trong loài người thì Thánh Kinh gọi là "Đức Thánh Linh," để phân biệt với linh của loài người và các tà linh có thể xâm nhập vào trong thân thể của loài người).
- Tiếng Anh: The Ghost; The Spirit
- Tiếng Hy-lạp: τόG3588 πνεῦμαG4151
Đức Thánh Linh: Thiên Chúa Ngôi Linh ngự trong thân thể, nơi tâm thần của con dân Chúa và thánh hóa con dân Chúa qua các mục vụ: cáo trách về tội lỗi, dạy dỗ, sửa trị, bẻ trách, an ủi, ban các ân tứ... và dẫn con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa. Trong thời Cựu Ước, Đức Thánh Linh ngự tạm thời trong các thánh đồ như khi Ngài muốn họ thi hành chức vụ tiên tri, ghi chép Cựu Ước. Trong thời Tân Ước, Đức Thánh Linh ngự trong thân thể các thánh đồ cho đến đời đời, miễn là họ trung tín với Chúa.
- Tiếng Anh: The Holy Ghost; The Holy Spirit
- Tiếng Hy-lạp: τόG3588 πνεῦμαG4151 ἅγιοςG40 hoặc τόG3588 πνεῦμαG4151 τόG3588 ἅγιοςG40
Linh hồn: Là bản ngã của loài người, tức là con người đích thật của loài người. Khi hơi Linh của Thiên Chúa vào trong thân thể bụi đất của loài người thì hơi linh của Thiên Chúa trở thành tâm thần của loài người, tức phần thân thể vô hình của loài người, và linh hồn được sinh ra.
- Tiếng Anh: The soul
- Tiếng Hy-lạp: ἡ G3588 ψυχήG5590
Các thí dụ sau đây được tạm dùng để minh họa, giúp chúng ta có thể nhận thức sự khác biệt nhưng hiệp một của xác thịt, linh hồn, và tâm thần. Dầu vậy, không một thí dụ nào là hoàn hảo trong sự minh họa:
Khối Nam Châm Điện |
Bóng Đèn Điện |
Con Người |
Dòng điện từ nguồn điện đi vào thỏi sắt |
Dòng điện từ nguồn điện đi vào tim đèn |
Linh từ Thiên Chúa đi vào thân thể xác thịt |
Dòng điện biến thành điện năng trong thỏi sắt |
Dòng điện biến thành điện năng trong tim đèn |
Linh biến thành tâm thần trong thân thể xác thịt |
Từ trường phát sinh trong thỏi sắt, biến thỏi sắt thành khối nam châm điện |
Ánh sáng phát sinh từ tim đèn |
Linh hồn sự sống phát sinh trong thân thể xác thịt, biến thân thể xác thịt thành một người có hồn sống. |
Dòng điện bị cắt, từ trường yếu dần rồi biến mất trong thỏi sắt |
Dòng điện bị cắt, ánh sáng không còn ở lại trong tim đèn nhưng vẫn tồn tại, đi mãi vào không gian |
Tâm thần mất đi sự thông công với Thiên Chúa (vì sự phạm tội của loài người) sinh ra sự chết của thể xác, là lúc linh hồn không còn ở trong thể xác nữa, nhưng linh hồn vẫn còn lại cho đến đời đời trong địa vị bị phân cách với Thiên Chúa |
Dòng điện được tiếp nối trở lại, khối sắt được phục hồi điện năng và lại trở thành khối nam châm điện. |
Dòng điện được tiếp nối trở lại, tim đèn được phục hồi điện năng và lại phát ra ánh sáng |
Tâm thần được tái sinh sau khi nhận linh mới từ Đấng Christ, được thông công trở lại với Thiên Chúa, khiến cho linh hồn cũng được tái sinh và thể xác sẽ được phục sinh, để có thể sống đời đời với Thiên Chúa. |
Năng lực: Sức mạnh và khả năng
- Tiếng Anh: Strength power, ability
- Tiếng Hy-lạp: δύναμιςG1411
Quyền năng: Thế lực do sức mạnh và sự giàu có vật chất hoặc do phẩm chất đạo đức cao trọng hoặc do ý chí kiên trì chịu đựng khó khăn.
- Tiếng Anh: Mighty
- Tiếng Hy-lạp: δυνατόςG1145
Quyền phép: Sức mạnh thống trị.
- Tiếng Anh: Dominion
- Tiếng Hy-lạp: κράτοςG2904
Tâm thần: Phần bản thể vô hình của loài người, giống như hình và thể (tượng) thần linh của Thiên Chúa, được tạo ra khi Thiên Chúa thổi Linh của Ngài vào bản thể bụi đất của loài người. Linh của Thiên Chúa vào trong thân thể bụi đất trở thành tâm thần của người. Trong khi xác thịt là hình và thể vật chất của người để qua đó người tương giao với thế giới thuộc thể, thì tâm thần là hình và thể thuộc linh của người, được dựng nên và được tái sinh giống như hình và thể của Thiên Chúa, để qua đó người tương giao với thế giới thuộc linh. Khi loài người phạm tội, bị cắt đứt sự thông công với Thiên Chúa, thì loài người hướng về sự thông công với và thờ phượng các tà linh, là những thiên sứ chống nghịch Thiên Chúa.
Thế giới thuộc thể là thế giới loài người có thể cảm nhận và tiếp xúc qua thân thể xác thịt. Thế giới thuộc linh là thế giới loài người chỉ có thể cảm nhận và tiếp xúc qua tâm thần, là thân thể thần linh. Thế giới thuộc linh bao gồm thiên đàng là nơi ngự của Thiên Chúa, thế giới các thiên sứ của Thiên Chúa, thế giới của ma quỷ là những thiên sứ phản nghịch Chúa, và thế giới của linh hồn những người chết không thuộc về Chúa, là âm phủ tức là địa ngục, và hỏa ngục.
- Tiếng Anh: The spirit
- Tiếng Hy-lạp: τόG3588 πνεῦμαG4151
Thẩm quyền hoặcquyền lực: Có uy quyền trên người khác
- Tiếng Anh: Power of authority.
- Tiếng Hy-lạp: ἐξουσίαG1849
Thánh Linh: Bao gồm các nghĩa sau đây:
1.Sự sống của Thiên Chúa, tức là sự sống đời đời, ban cho con dân của Ngài.
2. Quyền phép của Thiên Chúa do Thiên Chúa Ngôi Linh ban cho con dân Chúa, như các ân tứ, các sự dạy dỗ, cảm thúc... để họ hiểu biết, hành động theo ý muốn của ThiênChúa và hành động bởi năng lực của Thiên Chúa.
- Tiếng Anh: Holy Ghost; Holy Spirit
- Tiếng Hy-lạp: ἅγιοςG40 πνεῦμαG4151
Thần hoặc Linh hoặc Thần Linh: Có những nghĩa sau đây:
1.Sự sống của Thiên Chúa.
2. Sự sống thiêng liêng ra từ Thiên Chúa, không phải là sự sống đời đời mà là sự sống được ban cho loài người, tạo nên tâm thần và linh hồn của loài người khi Thiên Chúa thổi sự sống của Ngài vào thân thể vật chất của loài người. Sự sống này khác với sự sống của các loài sinh vật khác. Sự sống thiêng liêng là sự sống có sự tương giao với và hiểu biết Thiên Chúa.
3.Quyền phép của Thiên Chúa hành động trên và trong loài người đang hư mất để dẫn loài người đến sự cứu rỗi, như sự ban cho cơ hội được nghe giảng Tin Lành, sự cáo trách về tội lỗi, sự rửa sạch tội, và sự tái sinh. Trong thời Tân Ước, quyền phép của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm thần và linh hồn của những con dân Chúa để giúp cho họ sống thánh khiết theo Lời Chúa, gây dựng Hội Thánh, và rao giảng Tin Lành cho người chưa được cứu.
4. Chỉ về bản thể vô hình của Thiên Chúa,các thiên sứ, các tà linh, và của loài người. Bản dịch Thánh Kinh tiếng Việt dùng từ ngữ "tâm thần" để nói về bản thể vô hình đang ở trong bản thể xác thịt của loài người và dùng từ ngữ "thần linh" để nói về bản thể vô hình khi không ở trong bản thể xác thịt của loài người.
5. Chỉ về các khuynh hướng đạo đức hoặc vô đạo đức trong con người, dịch sang tiếng Việt là "thần trí" hoặc "tinh thần" hoặc "linh."
6. Hơi thở.
7. Làn gió.
- Tiếng Anh: Spirit
- Tiếng Hy-lạp: πνεῦμαG4151
Thần khải: Lời truyền của Thiên Chúa.
- Tiếng Anh:Divine oracle
- Tiếng Hy-lạp: χρηματίζωG5537 hoặc χρηματισμόςG5538
Thần quyền: Sự sống, năng lực, quyền phép, thẩm quyền, ân tứ của Thiên Chúa.
- Tiếng Anh: Spirit hoặc the spirit
- Tiếng Hy-lạp: πνεῦμαG4151 hoặc τόG3588 πνεῦμαG4151
Thần trí: Tư tưởng, khuynh hướng, tri thức trong tâm thần của loài người hoặc đến từ Đấng Christ, đến từ Thiên Chúa.
- Tiếng Anh: Spirit hoặc the spirit
- Tiếng Hy-lạp: πνεῦμαG4151 hoặc τόG3588 πνεῦμαG4151
Thiên Chúa: Chỉ chung Thiên Chúa Ba Ngôi hoặc chỉ về bản thể, thuộc tính, phẩm chất của Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Tiếng Anh: Godhead, Divine
- Tiếng Hy-lạp: θεοςG2316 hoặc θεῖοςG2304 hoặc θεότηςG2320
Thiên Phụ: Chỉ Thiên Chúa Ngôi Cha.
- Tiếng Anh: God Father hoặc God and Father hoặc God the Father
- Tiếng Hy-lạp: θεοςG2316 πατήρG3962 hoặc θεοςG2316 καίG2532 πατήρG3962 hoặc θεοςG2316 οG3588 πατήρG3962
Thiêng liêng hoặc thuộc linh: Có tính cách thiêng liêng; thuộc lãnh vực thuộc linh; sự thuộc linh, sự thiêng liêng.
- Tiếng Anh: Spiritual, spiritually, spiritualness
- Tiếng Hy-lạp: πνευματικόςG4152 và πνευματικῶςG4153
Vương quốc: Quốc gia theo chế độ quân chủ; nước được cai trị bởi vua.
- Tiếng Anh: Kingdom
- Tiếng Hy-lạp: βασιλείαG932
Vương quốc của Đức Chúa Trời: Vương quốc thuộc về Đức Chúa Cha.
- Tiếng Anh: The kingdom the God
- Tiếng Hy-lạp: ἡG3588 βασιλείαG932 οG3588 θεοςG2316
Vương quyền của Thiên Chúa: Quyền làm vua do Thiên Chúa ban cho.
- Tiếng Anh: Kingship God
- Tiếng Hy-lạp: βασιλείαG932 θεοςG2316
IV. Kết Luận
Tiếng Việt là một ngôn ngữ đang được tiêu chuẩn hóa. Trong khi chờ đợi sự hình thành một Hàn Lâm Viện Việt Nam để thống nhất các quy định về mẹo luật văn phạm tiếng Việt, chúng ta tạm thời dựa vào các tài liệu văn phạm và từ điển tiếng Việt xưa nay thường dùng trong hệ thống giáo dục Việt Nam để dịch thuật Thánh Kinh. Công trình dịch thuật Thánh Kinh "Ngôi Lời" là một trong những mục vụ dựa vào ơn Chúa để hoàn tất một bản dịch Thánh Kinh sát với nguyên tác sang tiếng Việt hiện đại. Kính mời quý bạn đọc ghé lại mạng lưới: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.net, để xem qua các phần đã dịch xong và đóng góp bằng sự cầu thay, phê bình, hoặc góp ý.
Để tham khảo và sao chép những câu Thánh Kinh đã được hiệu đính của bản Dịch Phan Khôi, kính mời quý bạn ghé lại mạng lưới đang tiến hành công việc hiệu đính: www.pk2011.thanhkinhvietngu.net.
Đức Chúa Jesus phán: "Trời đất qua đi còn dễ hơn một nét chữ trong luật pháp phải bỏ đi" (Lu-ca 16:17). Sứ đồ Phi-e-rơ viết: "Nhưng lời Chúa còn lại đời đời, và lời đó là Tin Lành đã giảng ra cho anh em" (I Phi-e-rơ 1:25). Thánh Kinh luôn luôn xác định thẩm quyền tuyệt đối, sự chính xác, và tính vĩnh cửu của Lời Chúa, vì thế, sự phiên dịch, rao giảng Lời Chúa một cách trung thực là bổn phận của mỗi một tín đồ Đấng Christ. Mong rằng sự trình bày trên đây đem lại phần nào ích lợi cho quý con dân Chúa trong khi đọc và suy ngẫm Thánh Kinh.
Huỳnh Christian Timothy
09.09.2011
Bấm vào đây http://www.divshare.com/download/15692472-a14 để download bài "Hiệu Đính Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Phan Khôi" gồm hai phần:
- Phần Một: Những Câu Thánh Kinh Trong Tân Ước Liên Quan Đến Các Từ Ngữ: Thần, Linh, Đấng Thần Linh, Thánh Linh, Đức Thánh Linh, và Một Số Từ Ngữ Khác
- Phần Hai: Những Câu Thánh Kinh Trong Tân Ước Liên Quan Đến Các Từ Ngữ: Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa, Thiên Phụ, và Một Số Từ Ngữ Khác